An Nam Đại Quốc Họa Đồ

Phát hành bởi: Nhà xuất bản Oriental Lith. Press năm 1838

Tờ bản đồ gốc có kích thước 84x45cm, phụ bản của cuốn Từ điển Latin-An Nam (Dictionarium Latino-Anamiticum) do Nhà xuất bản Oriental Lith. Press xuất bản ở Calcutta (Ấn Độ) vào năm 1838.

Đây là một bản đồ đặc biệt, trước tiên là bởi tên của nó, bản đồ do một giám mục người Pháp thực hiện, nhưng tên của bản đồ được viết bằng 3 ngôn ngữ: 安南大國畫圖 (chữ Hán), An Nam đại quốc họa đồ (chữ Quốc ngữ) và Tabula Geographicaimperii Anamitici (chữ Latin), trong khi tất cả địa danh trên bản đồ, kể cả các địa danh thuộc Trung Hoa, Lào và Campuchia, đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, còn chú dẫn (legenda) thì sử dụng cả chữ Quốc ngữ, chữ Latin và chữ Pháp.

Điều đặc biệt thứ hai là trên bản đồ có vẽ hình một cụm đảo ở giữa Biển Đông, nằm ở phía bắc vĩ tuyến 160 Bắc, phía đông kinh tuyến 1100 Đông, có dòng tiêu danh: “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel hoặc Cát Vàng).

Dòng chữ này đã khẳng định nhóm đảo Paracel theo cách gọi của người phương Tây chính là (nhóm đảo) Cát Vàng (hay Hoàng Sa) theo cách gọi của người Việt đương thời. Ngoài dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng” ghi trên An Nam Đại quốc họa đồ, trong bài viết “Note on the Geography of Cochin China” (Ghi chép về địa lý Nam Kỳ) in trên The Journal of the Asiatic Society of Bengal (vol. 6, part II, p.745), xuất bản tại Calcutta vào năm 1837, giám mục Jean-Louis Taberd còn chỉ rõ: “The Pracel or Paracels is a labyrinth of a small islands, rocks, and sand-banks… The Cochin Chinese called them Cồn Vàng… In 1816, he (King Gia Long) went with solemnity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely any body will dispute with him” (Pracel hay Paracels là một mê cung của những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát vàng…).

Tính khách quan của người lập bản đồ và những chi tiết cụ thể trên những tấm bản đồ này có thể xem là những cơ sở rất thuyết phục, góp phần khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa, trong lịch sử, chưa bao giờ thuộc Trung Quốc, mà thuộc chủ quyền của Việt Nam.