Điểm hẹn của những người yêu biển!

+84 258 3590 036

+84 258 3590 037

Số 1, Cầu Đá

Nha Trang, Khánh Hòa

Giờ mở cửa: 6:00 - 18:00

Tất cả các ngày trong tuần

Giá trị tài nguyên biển của Vịnh nước Công viên Trường Sa, Bảo tàng Hải dương học trong nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thông

14/9/2017, Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh Hoà và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cắt băng khánh thành Công viên Trường Sa bao gồm 300 m2 bờ biển và 5.000 m2 vùng nước trong khuôn viên Bảo tàng Hải dương học với sự chứng kiến của các cơ quan báo, đài và đông đảo các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước

Giáo sư, viện sĩ Châu Văn Minh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN và TS. Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cắt băng khánh thành công viên Trường Sa ngày 14/9/2017

Ngay từ khi người Pháp thành lập Viện (1922), vùng vịnh này được các nhà khoa học hàng đầu Đông Dương lựa chọn để cung cấp nước biển tự nhiên cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với việc thành lập các “Hồ cá” (1930) sau là Bảo tàng Hải dương học với quần thể các hồ nuôi sinh vật biển phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng; vịnh biển đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sạch cho toàn bộ hệ thống nuôi, thí nghiệm hàng trăm loài sinh vật biển của Bảo tàng. Từ năm 1930 đến nay, trạm đo mực nước đã hoạt động cùng với trạm quan trắc hải dương học và môi trường biển trong hệ thống Trạm quan trắc môi trường quốc gia, cung cấp nguồn cơ sở dữ liệu hải dương học phục vụ phát triển kinh tế biển và dự báo chất lượng môi trường. Đây cũng là một trong số hơn 1.000 điểm quan trắc trên phạm vi toàn cầu thuộc hệ thống quan trắc của Uỷ ban liên Quốc gia về hải dương học (Intergovernment Oceanography Commitee, IOC).

Hệ thống đo mực nước của Trạm quan trắc môi trường quốc gia hoạt động từ năm 1930

Ẩn sâu dưới làn nước trong xanh và những con sóng dập dờn của 5.000 m2 diện tích mặt nước là nơi tồn tại những hệ sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với biển Nha Trang nói riêng và biển Việt Nam nói chung. Trong khuôn viên vịnh nước tưởng chừng nhỏ bé này, có sự hiện diện của hệ sinh thái rạn san hô ven bờ lâu đời rất hiếm gặp, đặc biệt là khối san hô khổng lồ (Porites lutea) đường kính 3 m có tuổi đời xấp xỉ 300 năm đã được các nhà khoa học người Pháp đặc biệt quan tâm từ những năm 1930s.  Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá vô cùng quan trọng trong tái tạo và bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển, ví như ngôi nhà của biết bao loài sinh vật ở giai đoạn ấu trùng, con non… là nơi lý tưởng cho các nghiên cứu duy trì, bảo tồn sự đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển và đánh giá ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

San hô Porites lutea có đường kính 3m gần 300 năm tuổi

Hệ sinh thái cỏ biển của Vịnh nước công viên Trường Sa có tính đa dạng cao với sự phân bố của các loài cỏ biển, rong biển đặc trưng cho vùng biển nhiệt đới. Các công trình nghiên cứu gần đây đã xác định thảm cỏ Halophila sp. tìm thấy trong vịnh biển là thảm cỏ biển duy nhất đại diện của vùng biển Thái bình dương, có ý nghĩa quan trọng về đa dạng sinh học đối với thế giới. Đặc biệt, trong hệ sinh thái cỏ biển này, có mặt của loài cỏ Xoan Enhalus acoroides – là loài đang bị de dọa, trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Quần thể cỏ Xoan này cần được duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen cỏ biển, và phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học biển. Hướng nghiên cứu này đã được các nhà khoa học Viện Hải dương học phối hợp với các đối tác Cộng hoà Liên bang Đức quan tâm từ nhiều năm nay. Các kết quả nghiên cứu này được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận thông qua các công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành.

Tại vịnh biển công viên Trường Sa còn ghi nhận được 9 loài động vật tuyến trùng thuộc ngành Giun tròn (Nematoda).  Các loài tuyến trùng tại vịnh biển đang được lựa chọn là chỉ thị sinh học trong nghiên cứu cơ chế vận chuyển vật chất, năng lượng của lưới thức ăn biển và đánh giá năng suất sinh học. Với sự tiêu biểu và tính đặc thù hiếm có của hệ sinh thái và chất lượng môi trường của vịnh, thí nghiệm đánh giá sự phân rã của rác thải nhựa trong chương trình hợp tác giữa Viện Hải dương học và Đại học Copenhagen, Đan Mạch cũng đang được triển khai.

Vị trí đặt thí nghiệm Sự phân rã của rác thải nhựa
Vị trí đặt thí nghiệm Sự phân rã của rác thải nhựa

Vịnh nước Công viên Trường Sa là chủ đề luôn ưu tiên trong công tác giáo dục truyền thông cộng đồng, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu biết rõ hơn về giá trị tài nguyên sinh thái biển Việt Nam. Vịnh nước Công viên Trường Sa còn mang đậm tính nhân văn theo chiều dài lịch sử, là một hợp phần không thể tách rời trong nghiên cứu khoa học biển và giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển Việt Nam. Khi mà biển và đại dương đang kêu cứu trước sự suy giảm chất lượng môi trường do biến đổi khí hậu, do hoạt động kinh tế xã hội thiếu kiểm soát hay vô ý thức của con người thì những vùng nước như thế càng đáng được nâng niu, gìn giữ…

Trương Sĩ Hải Trình