Những ngày đầu năm 2021, Bảo tàng Hải dương học đã đón tiếp các bạn học sinh trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi đến tham quan và học tập. Trong khuôn khổ chuyến tham quan tại Bảo tàng, các bạn học sinh đã được nghe giới thiệu về Lịch sử hình thành Viện Hải dương học – Hoàng Sa – Trường Sa, từ khoa học biển đến chủ quyền biển đảo tại phòng Truyền thống của Viện Hải dương học.
Từ năm 1924, với sự có mặt của tàu De Lanessan – tàu hơi nước có trọng tải 750 tấn, dài 45m được thiết kế đầy đủ trang thiết bị để phục vụ cho việc nghiên cứu hải dương và đánh bắt cá xa bờ – đã có khoảng 50 chuyến khảo sát với 527 trạm trên khắp vùng biển Việt Nam, trong đó có cả 2 quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự hiện diện của tàu De Lanessan trên quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa và những đóng góp của nó trong quá trình nghiên cứu sự hình thành của hai quần đảo từ đầu thế kỷ 20, đã thực sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa – Hoàng Sa.
Với những nỗ lực “hướng ra biển” của Viện Hải dương học, công tác nghiên cứu Khoa học tại Viện không ngừng đầu tư và phát triển. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản, Viện Hải dương học đã phát triển nghiên cứu ứng dụng, triển khai về bảo tồn đa dạng sinh học, công nghệ nuôi trồng, nguồn lợi động vật và thực vật biển; nghiên cứu độc tố, độc chất trong sinh vật và môi trường biển; nghiên cứu vật lý hải dương, khí tượng – thủy văn và động lực biển.
Bên cạnh việc cập nhật thông tin về 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa, các bạn học sinh trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi còn được giới thiệu về đa dạng sinh học biển – giới thiệu về các hệ sinh thái Rạn san hô, sinh cảnh đáy mềm – hệ sinh thái biển sâu – hệ sinh thái rừng ngập mặn….