Khu trưng bày
Cùng khám phá khu trưng bày các loại sinh vật biển, mẫu vật...
Hồ, bể nuôi sinh vật biển
Hệ thống Aquarium của Bảo tàng Hải dương học hiện nay được bố trí trong một không gian diện tích 5000m2 với một quần thể bao gồm các hồ nuôi sinh vật biển thường xuyên nuôi hơn 300 loài sinh vật biển tiêu biểu và rất có giá trị (các loại Rùa biển, cá Mập, cá Đuối, cá Chình, cá Mú, san hô sống với các loại cá cảnh biển, tôm Hùm, …) phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng.
Khu mẫu vật lớn
Các mẫu vật được sưu tầm và tìm kiếm từ nhiều năm qua. Ba mẫu vật lớn được bố trí trong một không gian rộng tới 200m2 đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt ấn tượng trong hành trình tham quan Bảo tàng Hải dương học. Bộ xương cá Voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) khổng lồ (dài 18 mét, nặng 10 tấn) đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất là hơn 200 năm nay; Bộ xương Bò biển (Dugong dugon), đây là loài thú biển quí hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; Cá Nạng Hải (Manta birostris) nặng gần 1 tấn, dài 3,5 m, rộng 5 m.
Rạn nhân tạo
Rạn nhân tạo là cấu trúc dưới nước do con người xây dựng bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo nhằm làm giàu thủy sinh vật ở vùng đáy nghèo sinh vật. Rạn nhân tạo có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực:
- Thu hút các loài thủy sản như cá, thân mềm, giáp xác, da gai.. đến tập trung trú ngụ, kiếm ăn, trốn tránh địch hại, sinh sản, phát triển qua đó giúp phục hồi nguồn lợi thủy sản bị suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Hỗ trợ phục hồi rạn san hô bằng cách cung cấp giá thể cho san hô và rong tảo phát triển.
- Ngăn cản việc sử dụng giã cào khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ và cải tạo môi trường đáy biển.
- Cung cấp nơi giải trí, du lịch, tham quan với những hoạt động như câu cá thư giãn, bơi lặn ngắm cảnh và những dịch vụ liên quan khác. Đồng thời đây là nơi để giáo dục lòng yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và nguồn lợi. Vật liệu để xây dựng rạn nhân tạo rất đa dạng, bao gồm các sản phẩm phế thải như lớp xe, tàu thuyển hỏng, xe tăng hết sử dụng… đến các kết cấu làm từ bê tông hay nhựa cũng như các sản phẩm mỹ thuật.
Tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa
Khu trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa – Trường Sa được thiết kế trong đường hầm xuyên qua núi Bảo Đại, dài gần 100 m, cao khoảng 5 m. Việc xây dựng khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa giúp cho công chúng hiểu rõ hơn các giá trị kinh tế, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng…trên 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó nâng cao ý thức và thêm yêu quý hai quần đảo này.
Đến đây, du khách có thể chiêm ngưỡng hàng trăm mẫu sinh vật được lấy từ vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa như: cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998; cá thu song khổng lồ nặng 70 kg, dài 4m lấy từ Trường Sa. Các loài san hô, trai khổng lồ, ốc xà cừ, ốc kim khôi, ốc tù và…với những hình dáng rất độc đáo. Bên cạnh đó là các mẫu địa chất thu thập được tại 2 quần đảo trên như: bom núi lửa thu được năm 1989 tại đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa), các loại đá vôi san hô, vỏ xác sinh vật…Tại phòng trưng bày còn có khu nuôi sinh vật biển, du khách có thể ngắm nhìn các loài sinh vật sống, là những loài sống đặc trưng, phân bố tại vùng đảo Hoàng Sa – Trường Sa được thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo tại Viện Hải dương học.
Khu đa dạng sinh học biển
Khu trưng bày đa dạng là nơi đang trưng bày, bảo quản bộ mẫu sinh vật biển – nguồn di sản biển lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nơi đây đang lưu giữ và bảo tồn một bộ mẫu sinh vật biển lớn và quý với khoảng 23.000 mẫu thuộc 5.000 loài (thuộc các nhóm: thực vật biển, Hải miên, Ruột khoang, Thân mềm, Giáp xác, Da dai, Cá, Bò sát, Thú biển). Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam và các vùng nước lân cận. Ngoài những mẫu có giá trị khoa học, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều mẫu quí hiếm như: Cá Tầm (Acipenser sinensis), Cua Vua (Paralithoides sp.), Cá Mặt trăng đuôi nhọn (Masturus lanceolatus), Trai khổng lồ (Tridacna gigas) nặng 145kg, Mực bay khổng lồ (Thysanoteuthis rhombus), Cá Ông Chuông (Pseudorca crassidens), Hải Cẩu (Phoca larga) v.v…
Tháng 10/2012 Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập và công bố “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”.