Điểm hẹn của những người yêu biển!

+84 258 3590 036

+84 258 3590 037

Số 1, Cầu Đá

Nha Trang, Khánh Hòa

Giờ mở cửa: 6:00 - 18:00

Tất cả các ngày trong tuần

BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG HỌC

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin

BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG HỌC

Điểm dừng chân của những người yêu thiên nhiên, yêu biển!

Là một thành thành viên của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), Bảo tàng Hải dương học tọa lạc tại số 01, Cầu Đá – Trần Phú – con đường dài và đẹp nhất thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Bảo tàng Hải dương học do Viện Hải dương học quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động. Tiền thân là phòng Lưu trữ mẫu vật và sau đó là Bảo tàng sinh vật biển được người Pháp xây dựng cùng thời với Viện Hải dương học vào năm 1922, một trong những cơ sở ngiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển cùng với Viện Hải dương học, Bảo tàng Hải dương học đã trở thành một Bảo tàng độc lập, có qui mô lớn, một trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục, điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

2
Hải học viện năm 1926, tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay

Với diện tích khoảng hơn 5000 m2 bao gồm hệ thống hồ nuôi sinh vật biển cùng với các khu trưng bày mẫu vật, tạo thành một quần thể kiến trúc đa dạng giới thiệu về sự phong phú và đầy bí ẩn của thế giới đại dương bao la. Khu trưng bày mô hình các hệ sinh thái biển gồm hệ sinh thái rạn san hô, sinh cảnh đáy cát, hệ sinh thái biển khơi và hệ sinh thái rừng ngập mặn với các sinh vật tiêu biểu như San hô, các loài cá rạn san ho, cá Đuối, cá Mập vây trắng, cá Mập vây đen, cá Sấu hoa cà, …

KHU TRƯNG BÀY CÁC HỆ SINH THÁI
CÁ SẤU HOA CÀ
HUỆ BIỂN TRONG RẠN SAN HÔ
Previous
Next

Bảo tàng Hải dương học còn biết đến như một “Trạm cứu hộ sinh vật biển”. Nhiều loài sinh vật biển quý hiếm như Rùa biển, Hải cẩu bị mắc lưới cũng được đưa về đây chăm sóc và nuôi dưỡng. Hệ thống hồ nuôi và thuần dưỡng các loài sinh vật biển còn được ví như là khu kỳ thú của Bảo tàng với hơn ba trăm loài sinh vật biển đủ màu sắc và hình dáng đẹp, kỳ dị như cá Mặt quỷ, cá Mao tiên – Nàng công chúa biển với nhứng tia vây xòe ra lả lướt, màu sắc sặc sỡ được chọn làm biểu tượng cho Viện Hải dương học.

Khu trưng bày mẫu vật lớn là điểm đặc biệt ấn tượng đối với du khách trong hành trình tham quan Bảo tàng hải dương học. Đặc biệt là bộ xương cá voi lưng gù dài gần 18m, nặng khoảng 10 tấn được khai quật vào năm 1994 tại xã Hải Cường, Hải Hậu, Hà Nam nay là Tỉnh Nam Định. Bộ xương đã bị vùi dưới lòng đất ở Đồng bằng Sông Hồng ít nhất 200 năm, đây thực sự là di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quí giá. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày các mẫu vật lớn như Cá Nạng hải nặng gần 1 tấn, cá Tầm, cá Ông chuông, và bộ xương Bò biển nặng gần 300 kg đưa từ Côn Đảo về…

Khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Nằm trong đường hầm xuyên qua lòng núi Bảo Đại với chiều dài khoảng 120 m2, nơi đây trưng bày hàng trăm mẫu sinh vật, địa chất, các loài sinh vật sống tiêu biểu của vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những mẫu vật thu được qua những chuyến khảo sát, nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học Viện Hải dương học tại vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa. Mới đây Bảo tàng cũng đã đưa vào hoạt động bể cá hình trụ được đặt ngay trung tâm đường hầm là bể trụ nuôi sinh vật biển lớn nhất tại Bảo tàng và cũng là bể trụ nuôi sinh vật biển lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Công Viên Trường Sa cũng đã được đưa vào hoạt động từ năm 2017, đây là công viên duy nhất trưng bày về Trường Sa- Hoàng Sa tại Việt Nam. Với diện tích khoảng 300m2 bờ biển và 3100m2 diện tích mặt nước. Trên bờ là nơi tọa lạc các hiện vật đặc trưng ở Trường sa như ngọn Hải đăng, cột mốc chủ quyền, cây bàng vuông, bia đá chủ quyền và bản đồ địa hình đáy biển Trường Sa theo mô hình 3D. Dưới đáy biển là hệ sinh thái Rạn san hô vô cùng đa dạng, thành phần loài phong phú và có lịch sử lâu đời. Một số khối san hô ước tính đã tồn tại vài thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm. Được ví như Trường Sa thu nhỏ trong lòng thành phố, nơi đây không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú mà còn là điểm đến giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tham quan Bảo tàng Hải dương học là khu trưng bày đa dạng sinh vật biển. Đây được xem là nguồn di sản biển vô cùng quí giá, có giá trị lớn phục vụ cho công tác ngiên cứu khoa học. Với hơn 24.000 mẫu vật của hơn 5.000 loài được thu thập trên khắp vùng biển Việt Nam và các khu vực phụ cận. Hàng năm các nhà khoa học vẫn tiếp tục bổ sung thêm các mẫu vật mới, lạ, phục vụ công tác nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên và du khác tham quan. Năm 2012 Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Viện Hải dương học là nơi lưu giữ Bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam.

Với lợi thế là đơn vị trực thuộc 1 đơn vị nghiên cứu khoa học, Bảo tàng được thừa kế, tiếp thu và cập nhật kiến thức về Hải dương học một cách nhanh chóng và đầy đủ. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà khoa học luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc về biển cho du khách cùng với bộ phận thuyết minh viên nhiệt tình, năng động luôn sẵn sàng giới thiệu cho du khách về đời sống dưới đại dương. Bảo tàng có sức hút đặc biệt đối với du khách và là điểm đến đáng tin cậy đối với những người yêu thiên nhiên, yêu biển!

Hưởng ứng sự khuyến khích của ICOM cho các hoạt động của Bảo tàng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Bảo tàng Hải dương học đã đa dạng cách thức giới thiệu các hoạt động của mình trên các kênh trực tuyến như tại website: http://baotanghdh.vn và trên mạng xã hội https://facebook.com/baotanghaiduonghoc. Với nội dung đa dạng và phong phú về sinh vật biển cũng như các mẫu vật được lưu trữ tại Bảo tàng Hải dương học, các kênh mạng xã hội của Bảo tàng hi vọng sẽ mang lại những kiến thức bổ ích cho người xem cũng như góp phần giới thiệu Bảo tàng cho khách tham quan trực tuyến.

Các bài viết khác